Khi đang trèo cây nhãn, em T.Q.H. (13 tuổi, sống ở Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long) té ngã và bị đau hông trái. Các bác sĩ cho biết bé bị vỡ lách độ 4, phải dùng đến phương pháp truyền máu hoàn hồi.
Bệnh nhi được chuyển vào cấp cứu tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long (Cần Thơ) trong tình trạng mạch đập nhanh, huyết áp tụt. Các bác sĩ phát hiện bé vỡ lá lách độ 4, cuốn lá lách bị đứt ngang, trong ổ bụng có nhiều dịch và gần 1,5 lít máu.
Ngay lập tức, các bác sĩ tiến hành cắt bỏ toàn bộ lá lách và sử dụng phương pháp truyền máu hoàn hồi để lấy máu trong ổ bụng truyền lại cho bệnh nhi. Sau phẫu thuật, sức khỏe em H. hồi phục tốt.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Kỳ Phương, Trưởng khoa Tiêu hóa cho biết việc cắt bỏ lá lách không ảnh hưởng đến sự phát triển của cơ thể nhưng sau khi cắt lách, bệnh nhi nên chích ngừa phế cầu để phòng ngừa viêm phổi cũng như chú ý phòng tránh các bệnh nhiễm trùng.
Phương pháp truyền máu hoàn hồi bảo đảm phòng lây nhiễm các bệnh nhiễm trùng qua truyền máu như HIV, viêm gan siêu vi B, C, giang mai,… loại trừ được các phản ứng miễn dịch do bất đồng nhóm máu. Lý giải về việc dùng phương pháp truyền máu hoàn hồi trong phẫu thuật cho em H., các bác sĩ cho rằng vì lượng máu mất quá nhiều, bệnh nhi có thể trụy mạch, sốc và tử vong nhanh chóng nếu không có lượng máu bù vào cơ thể kịp thời.
Phương pháp này không gây tai biến cho người bệnh khi lấy máu và truyền máu, đồng thời kích thích sinh hồng cầu, vết thương chóng hồi phục và sớm thành sẹo. Bên cạnh đó, phương pháp này còn tăng thêm nguồn cung cấp máu an toàn nhất và giảm bớt được khoản chi phí điều trị cho bệnh nhân.
Truyền máu hoàn hồi hay còn gọi là truyền máu tự thân. Đây là phương pháp lấy máu của bệnh nhân để truyền lại cho chính bệnh nhân, được xem là một phương pháp hỗ trợ tối ưu để sử dụng trong các phẫu thuật có nguy cơ mất máu lớn, đặc biệt là các ca phẫu thuật cấp cứu mạch máu, tim mạch, vỡ gan, vỡ lách, thai ngoài tử cung vỡ. |
Tú Trà