Hai năm nay, chàng trai 28 tuổi người Campuchia không thể nói chuyện, không tự thở vì dây cước công trình cắt đứt khí quản.
Cách đây 2 năm, một lần đi bán chổi trong đêm tối, anh K.L. (28 tuổi, người Campuchia) không nhìn thấy sợi dây cước công trình giăng ngang đường nên bị vướng đứt khí quản. Tại bệnh viện, anh được xử lý cầm máu, đeo ống cannula (ống thông) mở khí quản. Từ khi bị tai nạn đến nay 2 năm, anh không thể nói chuyện, không tự thở.
Trong một lần sang Việt Nam giao chổi, bạn hàng của anh L. đưa anh đến Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM điều trị. Vợ chồng anh không biết tiếng Việt nên bác sĩ tìm hiểu bệnh sử gặp nhiều khó khăn.
Kết quả nội soi thanh khí quản cho thấy, anh L. bị sẹo hẹp khí quản bít tắc hoàn toàn khí quản |
PGS.TS.BS Trần Phan Chung Thủy, Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM, cho biết, cấp cứu đường thở phải đứng hàng số 1 vì chỉ cần trễ 5 phút là bệnh nhân tử vong. Anh L. đã bị đứt khí quản 2 năm nên cuộc mổ khó khăn, với nguy cơ chảy máu kéo dài, liệt dây thần kinh.
Sau khi làm các xét nghiệm, bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị sẹo hẹp khí quản, di chứng từ tai nạn. Kết quả nội soi thanh khí quản cho thấy, anh bị sẹo hẹp bít tắc hoàn toàn khí quản, chỗ bít tắc cách thanh môn khoảng 25 mm, không có đường thông. Sẹo hẹp khí quản đoạn cổ độ 4, buộc phải phẫu thuật cắt 5cm đoạn bị hẹp, bóc tách kéo hai đầu khí quản nối vào với nhau. Đây cũng là ca phẫu thuật cắt nối khí quản đầu tiên của Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM.
May mắn, ca phẫu thuật thành công. Ngày thứ 2 sau phẫu thuật, anh L. được rút nội khí quản. Sau 7 ngày, anh được rút ống nuôi ăn và sức khỏe tiến triển rất tốt. Bác sĩ Chung Thủy cho biết: “Sau những lần hội chẩn với nhiều phương pháp xử lý di chứng sẹo khí quản, bệnh nhân trở về cuộc sống bình thường”.
Sau phẫu thuật, anh L. đã có thể nói chuyện, tự thở bình thường |
Tuy nhiên, các bác sĩ vẫn tiếp tục theo dõi vì bệnh nhân có cơ địa sẹo lồi, có thể làm hẹp lòng khí quản trở lại.
Hiện tại, anh L. đã có thể nói chuyện và tự thở, nhưng để có thể lấy lại giọng nói, anh phải tiếp tục tuân theo âm ngữ trị liệu, tập nuốt, tập nói trong thời gian tới.
Bác sĩ Chung Thủy cho biết, sẹo hẹp khí quản là di chứng do nhiều nguyên nhân như đặt nội khí quản, mở khí quản, chấn thương thanh khí quản.
Sẹo hẹp khí quản ảnh hưởng nặng nề tâm lý người bệnh và chất lượng cuộc sống, là gánh nặng cho gia đình và xã hội khi bệnh nhân không tự thở được, phải khai thông đường thở bằng lỗ thông ở cổ.
Phạm An