Hóa đơn điện tử đang là cụm từ khóa “hot” nhất hiện nay. Đặc biệt, kể từ khi Thông tư 68/2019/TT-BTC hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 119/2018/NĐ-CP ngày 12 tháng 9 năm 2018 của Chính phủ quy định về hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, chính thức ban hành, đã trở thành căn cứ pháp lý vững chắc, thúc đẩy các doanh nghiệp tiến hành chuyển đổi từ sử dụng hóa đơn giấy sang sử dụng hóa đơn điện tử.
Vậy, hóa đơn điện tử là gì?
Theo điều 3 của Nghị định 119/2018/NĐ-CP: Hóa đơn điện tử là hóa đơn được thể hiện ở dạng dữ liệu điện tử do tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ lập, ghi nhận thông tin bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, ký số, ký điện tử theo quy định tại Nghị định này bằng phương tiện điện tử, bao gồm cả trường hợp hóa đơn được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế.
Hóa đơn điện tử bao gồm các loại sau:
- Hóa đơn giá trị gia tăng là hóa đơn áp dụng đối với người bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ thực hiện khai thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ. Hóa đơn giá trị gia tăng trong trường hợp này bao gồm cả hóa đơn được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế.
- Hóa đơn bán hàng là hóa đơn áp dụng đối với người bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ thực hiện khai thuế giá trị gia tăng theo phương pháp trực tiếp. Hóa đơn bán hàng trong trường hợp này bao gồm cả hóa đơn được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế.
- Các loại hóa đơn khác, gồm: Tem điện tử, vé điện tử, thẻ điện tử, phiếu thu điện tử, phiếu xuất kho kiêm vận chuyển điện tử hoặc các chứng từ điện tử có tên gọi khác nhưng có nội dung quy định tại Điều 6 Nghị định 119/2018/NĐ-CP.
Có thể nhận định, việc chuyển đổi sử dụng hóa đơn điện tử thay thế hoàn toàn hóa đơn giấy chính là bước quan trọng trong quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp. Một doanh nghiệp được coi là chuyển đổi số thực sự khi tiến hành số hóa, tự động hóa tất cả các quy trình làm việc để thay thế phương thức làm việc thủ công, kém hiệu quả trước đây. Hóa đơn điện tử ra đời đã giúp các doanh nghiệp tháo gỡ hoàn toàn những nhược điểm lớn của hóa đơn giấy như: chi phí lưu trữ, in ấn, các thủ tục rườm rà…
Hiện tại, hóa đơn điện tử đã phủ sóng khắp các tỉnh thành trên cả nước, mang lại những lợi ích to lớn cho các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cũng lựa chọn việc sử dụng hóa đơn điện tử song song với hóa đơn giấy trước thời hạn bắt buộc phải sử dụng hóa đơn điện tử theo đúng quy định của pháp luật (ngày 01/11/2020) để có thời gian làm quen, lựa chọn nhà cung cấp hóa đơn điện tử uy tín, hợp pháp.