Sự phát triển vượt bậc của ngành công nghiệp và sự tiến bộ không ngừng của công nghệ thông tin đã đưa thế giới vào một kỷ nguyên mới – Kỷ nguyên Công nghệ cao. Trong bối cảnh đó, các Khu Công nghệ Cao trở thành những điểm sáng đẩy mạnh sự đổi mới, nghiên cứu, và phát triển các công nghệ tiên tiến, tạo điều kiện thuận lợi cho việc ứng dụng tri thức khoa học vào sản xuất, kinh doanh và cuộc sống hàng ngày. Vậy, khu công nghệ cao là gì? Ưu đãi & điều kiện thành lập khu CNC? mời bạn cùng công ty luật Siglaw tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Khu công nghệ cao là gì?
Định nghĩa về khu công nghệ cao được quy định tại khoản 1 Điều 31 Luật Công nghệ cao 2008:
“Khu công nghệ cao là nơi tập trung, liên kết hoạt động nghiên cứu và phát triển, ứng dụng công nghệ cao; ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao; đào tạo nhân lực công nghệ cao; sản xuất và kinh doanh sản phẩm công nghệ cao, cung ứng dịch vụ công nghệ cao”.
Quy định về việc phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật CNC
Việc phát triển hạ tầng kỹ thuật công nghệ cao được Nhà nước khuyến khích bao gồm:
- Khu công nghệ cao;
- Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao;
- Cơ sở ươm tạo công nghệ cao;
- Ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao;
- Cơ sở nghiên cứu;
- Hạ tầng thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển công nghệ cao.
Xem thêm: Dịch vụ Thành lập doanh nghiệp FDI có vốn nước ngoài của công ty luật siglaw.
Nhiệm vụ của khu công nghệ cao
Khu công nghệ cao có nhiệm vụ sau:
- Liên kết các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao, đào tạo nhân lực công nghệ cao, sản xuất sản phẩm công nghệ cao;
- Tổ chức hội chợ, triển lãm, trình diễn sản phẩm công nghệ cao từ kết quả nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao;
- Đào tạo nhân lực công nghệ cao;
- Thực hiện các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ cao; ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao; sản xuất sản phẩm công nghệ cao, cung ứng dịch vụ công nghệ cao;
- Thu hút các nguồn lực trong nước và ngoài nước để thúc đẩy hoạt động công nghệ cao.
Điều kiện thành lập khu CNC
Điều kiện thành lập khu công nghệ cao được quy định như sau:
- Hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ thuận lợi đáp ứng yêu cầu của hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ cao; ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao; sản xuất thử nghiệm sản phẩm công nghệ cao; cung ứng dịch vụ công nghệ cao;
- Có nhân lực và đội ngũ quản lý chuyên nghiệp;
- Có quy mô diện tích thích hợp, địa điểm thuận lợi về giao thông và liên kết với các cơ sở nghiên cứu, đào tạo có trình độ cao;
- Phù hợp với chính sách của Nhà nước về phát triển công nghệ cao, công nghiệp công nghệ cao và nhiệm vụ quy định tại Mục 2.
Chính sách của Việt Nam đối với hoạt động CNC
Chính sách của Nhà nước Việt Nam đối với hoạt động công nghệ cao được quy định tại Điều 4 Luật Công nghệ cao năm 2008:
- Khuyến khích doanh nghiệp nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ cao, đầu tư phát triển công nghệ cao; tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia hình thành mạng lưới cung ứng sản phẩm, dịch vụ phụ trợ cho ngành công nghiệp công nghệ cao.
- Đẩy nhanh việc ứng dụng, nghiên cứu, làm chủ và tạo ra công nghệ cao, sản phẩm công nghệ cao; hình thành và phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao; nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, tham gia vào những khâu có giá trị gia tăng cao trong hệ thống cung ứng toàn cầu.
- Tập trung đầu tư phát triển nhân lực công nghệ cao đạt trình độ khu vực và quốc tế; áp dụng cơ chế, chính sách ưu đãi đặc biệt để đào tạo, thu hút, sử dụng có hiệu quả nhân lực công nghệ cao trong nước và ngoài nước, lực lượng trẻ tài năng trong hoạt động nghiên cứu, giảng dạy, ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao và các hoạt động công nghệ cao khác.
- Huy động các nguồn lực đầu tư, áp dụng đồng bộ các cơ chế, biện pháp khuyến khích, ưu đãi ở mức cao nhất về đất đai, thuế và ưu đãi khác cho hoạt động công nghệ cao nhằm phát huy vai trò chủ đạo của công nghệ cao trong phát triển khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.
- Dành ngân sách nhà nước và áp dụng cơ chế tài chính đặc thù để thực hiện nhiệm vụ, chương trình, dự án về công nghệ cao, nhập khẩu một số công nghệ cao có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh.
Ưu đãi mà doanh nghiệp công nghệ cao được hưởng
Theo quy định của Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013, doanh nghiệp công nghệ cao được hưởng chính sách ưu đãi về thuế như sau theo quy định của pháp luật về thuế:
- Kinh phí tài trợ của tổ chức, cá nhân cho hoạt động nghiên cứu khoa học; khoản tài trợ nhận được để sử dụng cho hoạt động nghiên cứu khoa học;
- Doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và một số hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao;
- Dịch vụ khoa học và công nghệ;
- Thu nhập từ sản phẩm làm ra từ công nghệ mới lần đầu áp dụng tại Việt Nam; sản phẩm đang trong thời kỳ sản xuất thử nghiệm;
- Thu nhập từ việc thực hiện hợp đồng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ;
- Chuyển giao công nghệ thuộc lĩnh vực ưu tiên chuyển giao cho tổ chức, cá nhân thuộc địa bàn kinh tế – xã hội khó khăn, địa bàn kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn;
- Máy móc, thiết bị, phụ tùng, vật tư thuộc loại trong nước chưa sản xuất được cần nhập khẩu để sử dụng trực tiếp cho hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ;
- Các trường hợp khác được quy định tại các luật về thuế.
Doanh nghiệp công nghệ cao còn được hưởng chính sách ưu đãi về tín dụng:
- Tổ chức, cá nhân vay vốn để đầu tư vào hoạt động khoa học và công nghệ được ưu đãi về tín dụng theo điều lệ của quỹ nơi vay vốn;
- Tổ chức, cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ vay vốn trung và dài hạn để hoạt động khoa học và công nghệ được hưởng lãi suất ưu đãi khi vay vốn tại Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia, các quỹ khác của Nhà nước;
- Tổ chức, cá nhân vay vốn tại ngân hàng thương mại để đầu tư vào hoạt động khoa học và công nghệ, đặc biệt hoạt động triển khai thực nghiệm và sản xuất thử nghiệm được Ngân hàng phát triển Việt Nam xem xét hỗ trợ lãi suất sau đầu tư hoặc bảo lãnh tín dụng đầu tư, dành tỷ lệ nhất định dư nợ tín dụng cho hoạt động khoa học và công nghệ.
- Những chương trình, đề tài, dự án khoa học và công nghệ phục vụ trực tiếp chương trình kinh tế – xã hội trọng điểm của Nhà nước và phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ quốc gia, đặc biệt dự án triển khai thực nghiệm, sản xuất thử nghiệm có yêu cầu sử dụng vốn lớn, được ưu tiên xét cho sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức theo phương thức sau đây:
- Tài trợ không hoàn lại hoặc cho vay ưu đãi đối với hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ;
- Cho vay đối với dự án đầu tư xây dựng tiềm lực khoa học và công nghệ hoặc cho vay có thu hồi đối với dự án ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.
Xem thêm: Thành lập công ty 100 vốn nước ngoài tại việt nam của công ty luật siglaw.