16% dân số TP.HCM có vấn đề tâm thần. Bấy lâu nay, chúng ta chỉ bàn cách quản lý, dấu hiệu nhận biết người mắc bệnh tâm thần… mà chưa để người bệnh chia sẻ lý do đẩy họ vào con đường tâm thần.
Bài 1: Kẻ ác đã phá nát gia đình tôi
Không nói, không cười… những người điên mải chìm trong bóng đêm cuộc đời mình. Những biến cố đau buồn đã khiến họ ngã quỵ và rất khó để gượng dậy. Họ mắc bệnh, một phần lỗi do chính “người tỉnh”.
Cô gái u uất kể từ ngày chị ruột bị sát hại
Nguyễn Thị Lan Thanh (30 tuổi, Đồng Nai) đã ở Bệnh viện Tâm thần TP.HCM vào ngày thứ 47. Thế nhưng, khuôn mặt em u uẩn, luôn thu mình né tránh mọi câu hỏi thăm. Thanh dường như đang che giấu điều gì đó thật bi thương trong cuộc đời mình.
Chúng tôi nhìn thấy một màu xám trên khuôn mặt của cô gái ấy.
Lan Thanh vẫn giữ riêng cho mình thế giới u uất |
Trong cuộc trò chuyện với bác sĩ, Thanh luôn phủ nhận tình trạng bệnh của mình. Trả lời nhát gừng từng câu hỏi và càng lúc càng tỏ ra bực bội khi có người dám “cả gan” định bước chân vào thế giới riêng của cô.
Thậm chí, cô gái còn vặn vẹo cả bác sĩ: “Em muốn về. Em thấy bình thường tại sao em ở đây”. Mỗi lần nhắc về chuyện của chị gái, Lan đều lẩn tránh và đáp trả: “Em không có quyền trả lời” hoặc “Bác sĩ muốn biết chuyện đó để làm gì?”.
Càng về cuối cuộc đối thoại càng thêm căng hơn, trên khuôn mặt u uẩn một màu xám, đôi mắt em chợt trở nên hung dữ hơn, từng chữ một phát ra gầm gừ… rồi em bật khóc vì chính “cái ác” đã đẩy em vào ngõ tối của cuộc đời.
Lao động tay chân như dệt chiếu, may vá quần áo tại BV Tâm thần TP.HCM giúp cho người bệnh khuây khỏa phần nào những sang chấn tâm lý |
Đã 18 năm kể từ ngày chị ruột của Thanh bị tình nhân sát hại. Sau sự cố đau thương, cô bé 12 tuổi bắt đầu thu mình lại, cô không còn tin tưởng vào giấc mơ đẹp của cuộc đời. Vì chính người theo đuổi, yêu thương chị cô cũng ra tay tàn ác.
Lan Thanh là người con thứ 11 trong tổng số 12 anh em ngày càng ít nói, học yếu dần, rồi nghỉ hẳn khi học đến lớp 8.
Tuổi dậy thì bị chấn động tâm lý quá mạnh, em rơi vào tình trạng mất ngủ kéo dài và bắt đầu lên cơn kích động, chửi mắng mọi người. Thanh được đưa đi chữa trị ở nhiều nơi và được chẩn đoán bị tâm thần phân liệt.
Sau nhiều đợt điều trị, Thanh tạm ổn và lên Sài Gòn làm thợ may. Tròn 3 năm, bệnh tái phát do không chịu uống thuốc. Trước ngày nhập viện 1 tháng, em trở nên hung dữ, đòi giết đồng nghiệp.
Cái ác xã hội đã đẩy cô bé 12 tuổi bị sốc tâm lý, dẫn đến mắc bệnh tâm thần |
“Với trường hợp của Lan Thanh, cú sốc khi chị gái bị giết hại quá lớn đã khiến em rơi vào trạng thái hoảng loạn khó hồi phục. Khi nhập viện, Thanh hốc hác, xanh xao vì không ăn uống, thường xuyên bị mất ngủ, không mở lòng với bất cứ ai, vì em không tin vào cuộc đời. Chính cái ác đã đẩy em trở thành bệnh nhân tâm thần”, một bác sĩ điều trị cho biết.
3 ngày sau, chúng tôi trở lại, Lan Thanh vẫn khuôn mặt u uẩn ấy. Tóc xõa dài, ngồi khép đôi chân cẩn trọng trong khi tu từng ngụm nước từ chiếc chai nhựa dưới gốc cây trong sân, dưới trời nắng Sài Gòn 35 độ C.
Cha bỏ đi, mất hết người thân, em bị tâm thần
Trần Thùy Linh, 28 tuổi, quê ở Hóc Môn, TP.HCM cũng bị sang chấn tâm lý khi người thân trong gia đình mất đi. Cú sốc tâm lý nặng nề đến nỗi 4 năm sau đã làm khởi phát căn bệnh tâm thần phân liệt.
Bệnh nhân tâm thần nữ |
Bác sĩ Trần Thị Tố Nga, khoa T1, Bệnh viện Tâm thần TP.HCM cơ sở Lê Minh Xuân cho biết khi người nhà đưa em đến, Thùy Linh có dáng đi như một robot, suốt ngày lầm lì, không nói chuyện, bó mình trong góc phòng.
Căn bệnh khởi phát vào thời điểm mọi người ngỡ em đã quên đi nỗi đau mất mẹ.
Khi đó, 4 năm về trước, mẹ em qua đời vì bệnh ung thư. Trước đó, bà ngoại đã mất đi. Đây là 2 người thân nhất đã chở che, nuôi dưỡng em từ nhỏ. Người cha đã bỏ em ra đi.
Những tưởng thời gian làm cho nỗi đau nguôi ngoai. Nhưng khi đang làm công nhân cho một công ty dệt ở quận 12, Thùy Linh phát bệnh: suốt ngày khóc, nói nhảm một mình, không ăn uống, không ngủ và bỏ nhà đi lang thang. Những người hàng xóm hết hồn khi nghe em nói trong nhà sẽ có người chết…
Những bệnh nhân tâm thần nữ thắt tóc cho nhau |
Nhưng sau một thời gian điều trị, rất may mắn Thùy Linh đã gần như trở về bình thường. Nói về nỗi đau mất mẹ, em chỉ nhỏ nhẹ trả lời: “Mất ngoại em buồn lắm, rồi bỗng mẹ cũng ra đi, em như tan nát cuộc đời. Giá như ba đừng bỏ mẹ con em đi, đừng chối bỏ ngôi nhà của mình, chắc em sẽ không mắc bệnh tâm thần. Những lúc tâm hồn trơ lạnh, em chỉ biết chất vấn cuộc đời với chính em. Ai đã làm em khùng? Hạnh phúc đối với em, đơn giản là một gia đình yên bình”.
Những người điên sống trong cả 2 thế giới thực và hư, có đôi khi họ bước đi trên lằn ranh giới ấy, với đôi tay từ thế giới của họ sang thế giới thực, để chờ mong một cái bắt tay hoặc đơn giản hơn là… “Cho em mượn một cái điện thoại để gọi người nhà đón em về nhà…”.
“Tâm thần phân liệt là một bệnh loạn thần nặng tiến triển từ từ, có khuynh hướng mạn tính, căn nguyên hiện nay chưa rõ ràng, làm cho người bệnh dần dần tách ra khỏi cuộc sống với xung quanh, thu mình vào thế giới bên trong, làm cho tình cảm trở nên khô lạnh dần, khả năng làm việc học tập ngày một sút kém, có những hành vi ý nghĩ dị kỳ, khó hiểu”. |
Hiếu Nguyễn