Hiện nay, trung bình mỗi ngày phòng khám Thăm dò chức năng hô hấp của Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM tiếp nhận hơn chục ca mắc bệnh cúm, tăng gần gấp đôi so với vài tháng trước.
Mùa mưa là điều kiện thuận lợi để bệnh cúm bùng phát. Do vậy, không được chủ quan trong phòng ngừa và điều trị – 28 ca cúm A/H1N1 được phát hiện ở Bệnh viện Từ Dũ là hồi chuông cảnh báo.
Ngày 5/6, PGS-TS-BS Phan Trọng Lân – Viện trưởng Viện Pasteur – đã đến Bệnh viện Từ Dũ để kiểm tra, đánh giá về công tác phòng, chống bệnh cúm. Bác sĩ Lân nhận định: “Từ ngày 4/6 ổ cúm A/H1N1 đã được kiểm soát, khống chế hoàn toàn. Tuy vậy, ngành y tế TP.HCM và Viện Pasteur sẽ theo dõi chặt chẽ những trường hợp mắc và tiếp xúc với bệnh nhân cúm đã chuyển về địa phương. Nếu đến ngày 9/6, không còn trường hợp nào có những biểu hiện của cúm thì ổ dịch cúm tại Bệnh viện Từ Dũ đã được dập hoàn toàn”.
Bác sĩ Lân cũng cho biết, qua giám sát bốn tháng đầu năm 2018 tại các tỉnh phía Nam cho thấy: các trường hợp mắc cúm, kiểu cúm A/H1N1 chiếm đến 65%. Vì vậy, cần tập trung với các đối tượng nguy cơ cao là: phụ nữ mang thai, trẻ em dưới 5 tuổi, đặc biệt là trẻ dưới 2 tuổi.
Đối tượng nguy cơ cao này là những người dễ bị biến chứng và tử vong. Bên cạnh đó là người mắc các bệnh mạn tính: béo phì, suy giảm miễn dịch và người già. Một đối tượng cần được lưu ý là nhân viên y tế – những người tiếp xúc với đối tượng nguy cơ cao thì nên được tiêm ngừa – không chỉ bảo vệ cho cá nhân – mà còn bảo vệ an toàn cho người nguy cơ cao. Nói chung, các đối tượng nguy cơ cao nên được tiêm ngừa cúm hằng năm.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng – Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM – nhận định: “Rất may lần này, loại cúm các bệnh nhân mắc phải không nghiêm trọng nhưng đây là kinh nghiệm quý trong việc vận hành hệ thống các đơn vị để xử lý khi có bệnh dịch xảy ra trong bệnh viện. Việc không chủ quan và có cơ chế phối hợp tốt rất quan trọng nếu lỡ xảy ra những bệnh nguy hơn, ví dụ các chủng cúm H5N1 hay H7N9”.
Những ngày này, từ bệnh nhân đến nhân viên y tế đều đeo khẩu trang phòng bệnh cúm |
Bác sĩ Nguyễn Như Vinh – Trưởng khoa Thăm dò chức năng hô hấp Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM – cho biết, bệnh cúm rất phổ biến và có rất nhiều loại cúm. Mười năm trước, cúm A/H1N1 vẫn được xem là cúm mùa thông thường và còn được gọi là cúm heo. Vì ban đầu, bệnh được cho là xuất phát từ heo và từ đó lây qua người.
Tuy nhiên, về sau loại cúm này được phát hiện ở những người không tiếp xúc với heo, mà có thể lây qua người từ gia cầm hay từ người khác – như những trường hợp ở Bệnh viện Từ Dũ. Trong lịch sử, loại cúm này gây bệnh cho người thường nhẹ và được xem là cúm mùa lành, thông thường, cho đến năm 2009 đã gây ra đại dịch ở Mỹ với hàng loạt ca tử vong.
Đặc biệt, cúm A/H1N1 sẽ làm trầm trọng hơn trên bệnh nhân có bệnh lý tim mạch và bệnh mạn tính như đái tháo đường, suyễn, phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD)… Trong đó, mùa mưa này cũng bước vào cao điểm của bệnh suyễn, COPD. Bác sĩ Nguyễn Như Vinh cho biết, trung bình mỗi ngày khoa tiếp nhận 4-5 trường hợp đến khám với bệnh vào đợt cấp: khó thở, suy hô hấp… nên phải chuyển vào cấp cứu.
Và nếu chẳng may, những bệnh nhân này bị nhiễm cúm thì rất nguy hiểm. “Nhiễm trùng đường hô hấp – tuy nghe nặng nề, nhưng diễn tiến thường chậm hơn bệnh đường hô hấp do siêu vi. Có thể hôm nay thấy bệnh nhân ổn, phổi bình thường, nhưng qua hôm sau đã có thể trở nặng, vào cơn khó thở cấp, đe dọa tính mạng. Do vậy, bệnh do siêu vi, trong đó có cúm – khi mắc bệnh không được chủ quan”, bác sĩ Như Vinh khuyến cáo.
Các dấu hiệu mắc bệnh cúm
Khi có các dấu hiệu: sốt, ho, đau họng, chảy mũi/nghẹt mũi, chảy nước mắt, nhức đầu, mệt mỏi, tiêu chảy, nôn, ngứa ngáy khắp người – hãy nghĩ đến bệnh cúm và cần đến cơ sở y tế khám, cũng như phòng ngừa cho cộng đồng. Thời gian ủ bệnh cúm: 1-3 ngày sau khi tiếp xúc với nguồn bệnh – tùy theo sức đề kháng của mỗi người và tùy theo chủng cúm, độc lực của cúm mà có người mắc cúm nặng, có người bị nhẹ. Bệnh cúm trở nên nguy hiểm khi xảy ra biến chứng và dấu hiệu cho thấy bệnh diễn tiến nặng là: sốt cao khó hạ, gây viêm phổi, suy hô hấp, ảnh hưởng thần kinh như co giật, lơ mơ và nặng nhất là tử vong từ các biến chứng trên. Đặc biệt, biến chứng viêm phổi nặng thường xảy ra ở trẻ em, thai phụ, người già trên 65 tuổi và những người sống trong viện dưỡng lão có mắc một số bệnh khác như đái tháo đường, bệnh ảnh hưởng đến tim và phổi. Viêm phổi cũng hay xảy ra ở người có hệ miễn dịch suy giảm. Người có cúm không nên tiếp xúc thai phụ Cúm A/H1N1 là một loại cúm mùa thông thường, khá lành tính và có thể tự khỏi. Tuy nhiên, khi thai phụ có sức đề kháng yếu hơn người bình thường thì khi nhiễm bệnh có thể gây biến chứng dị tật thai nhi đối với thai dưới 12 tuần hoặc biến chứng nặng. Do đó, người có cúm không nên tiếp xúc với thai phụ. Đối với người có bệnh lý nền như phổi tắc nghẽn mạn tính, trẻ nhỏ chưa được chích ngừa, bệnh có khả năng diễn tiến nặng như viêm phổi, suy hô hấp. Khi mắc bệnh, người bệnh không nhất thiết phải điều trị bằng thuốc mà chỉ cần chăm sóc điều trị triệu chứng, tăng cường uống vitamin C, nước cam, nước chanh… để tăng cường sức đề kháng của cơ thể. Ngoài ra, cần vệ sinh cá nhân, đeo khẩu trang, găng tay, hạn chế đến nơi đông người, không dùng chung đồ dùng cá nhân như ly, chén, khăn… với người khác. Ngoài ra, dịch cúm có thể lây lan nhanh trong nhóm nhân viên y tế, vệ sinh do việc di chuyển từ khu này sang khu khác. Do đó, các nhân viên y tế phải đeo khẩu trang, găng tay trong quá trình thao tác, rửa tay trước và sau khi khám, tiếp xúc với bệnh nhân. Bác sĩ Lê Hồng Nga – Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm – Trung tâm Y tế Dự phòng. |
Thùy Dương