Sau khi gửi mẫu bệnh phẩm đi xét nghiệm, kết quả cho thấy bà T. dương tính với virus cúm A/H1N1. Do, trong quá trình điều trị ở bệnh viện địa phương, bà T. đã nằm chung giường với một bệnh nhân bị nhiễm cúm này.
Ngày 12/6, bác sĩ chuyên khoa 2 Bùi Văn Đời, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp Bệnh viện đa khoa thành phố Cần Thơ cho biết, bệnh viện đang tiếp nhận điều trị cho bà N.T.T (84 tuổi, ngụ ấp Mỹ Khánh 2, xã Mỹ Hoà, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long) dương tính với virus cúm A/H1N1.
Sau khi điều trị tại Trung tâm Y tế thị xã Bình Minh được một thời gian thì bệnh diễn biến phức tạp nên bà T. được chuyển đến điều trị tại khoa Tim mạch – Lão học của Bệnh viện đa khoa thành phố Cần Thơ. Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán bị bệnh tim thiếu máu cục bộ, tăng huyết áp, viêm phổi.
Một bà cụ 84 tuổi và 3 nhân viên y tế nghi nhiễm cúm A/H1N1 đã được cách ly điều trị – Ảnh: Nguyên Anh. |
Đến ngày 9/6, Trung tâm Y tế thị xã Bình Minh thông báo bà T. trong quá trình điều trị tại đây đã nằm chung giường với một bệnh nhân bị nhiễm virus cúm A/H1N1. Ngay lập tức, nhân viên Bệnh viện đa khoa thành phố Cần Thơ đã chuyển bà T. đến phòng cách ly tại khoa Truyền nhiễm của bệnh viện để điều trị, nhằm tránh lây truyền cho các bệnh nhân khác.
Tại khoa này, các bác sĩ tiến hành chụp X- Quang phổi, nhận thấy bà bị thâm phổi 2 bên kèm sốt, ho. Đồng thời, lấy mẫu bệnh phẩm gửi Viện Pasteur TPHCM để xét nghiệm. Kết quả, bà T. dương tính với virus cúm A/H1N1.
Hiện, bà T. đã dần ổn định, bớt ho, hết sốt, ăn uống bình thường, X-quang phổi không có tiến triển thêm.
Bác sĩ Đời cho biết thêm, hiện bệnh viện đã cách ly 1 bác sĩ và 2 điều dưỡng của khoa Tim mạch để điều trị virus cúm A/H1N1 theo phác đồ của Bộ Y tế do có triệu chứng lây nhiễm cúm từ bà T. Bên cạnh đó, 2 người nhà đang thăm nuôi bệnh nhân này cũng được điều trị dự phòng.
GS.TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, kết quả từ hệ thống giám sát quốc gia những tháng đầu năm 2018 ghi nhận, virus cúm A/H1N1 đang chiếm khoảng 40% trong nhóm các chủng virus cúm mùa thông thường lưu hành hằng năm và gây bệnh ở người, còn lại là cúm B và cúm A/H3N2. Bệnh cúm mùa thường dễ mắc và lây lan vào mùa đông xuân nhưng hiện nay cúm xuất hiện rải rác quanh năm. Nếu một người mang mầm bệnh từ vùng có dịch thì bệnh sẽ lây lan rất nhanh. GS.TS Đặng Đức Anh khuyến cáo, người dân chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh cúm. Sau khi tiêm khoảng 1 tháng, vắc xin sẽ có hiệu quả bảo vệ. |
Nguyên Anh – Huyền Anh